“Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
Tương là món ăn truyền thống của cư dân nông nghiệp ở nhiều vùng miền, nhưng ở mỗi vùng miền món tương lại có những hương vị riêng, cách chế biến riêng. Có lẽ vì thế mà tên gọi cũng gắn liền với địa danh của làng nghề như tương Bần, tương Nghệ, tương Thọ Xuân… Tương làng Mía (Thọ Xuân) là món đã được trang trọng bày lên mâm cỗ tiến vua xưa.

Tương Thọ Xuân Thanh Hóa
Huyện Thọ Xuân vốn là địa phương đất đai mầu mỡ, phì nhiêu rất thích hợp cho việc trồng cây lương thực như: lúa, ngô, khoai, đậu, đặc biệt là cây đậu tương. Nguyên liệu dùng để làm tương gồm: đậu tương, ngô tẻ, gạo nếp, muối, lá nhãn, lá chuối. Điều kỳ diệu để làm nên hương vị thơm ngon khác biệt của tương làng Mía đó là mốc là yếu tố không thể thiếu khi làm tương.
Với nhiều quy trình mang tính truyền thống và bàn tay khéo léo của người làm tương. Gạo nếp nấu thành cơm sao cho chín đều mà lại khô, rải ra nia phơi đảo đều qua 5 ngày rồi cho vào bể ủ tiếp 7 ngày với đỗ tương đã rang thơm đã ngâm và vừa lên mốc. Tương ủ trong chum 2 tháng trở ra là ăn được. Ủ đến 2 năm là độ ngon nhất, tương sẽ có vàng sậm và đặc sền sệt. Khi ăn, tương là món nước chấm của rau, của thịt. Tương còn là gia vị kho cá, nấu canh chua. Rau, cà, thịt, đậu phụ chấm với tương, ăn thấy đậm đà và như thoang thoảng có cả vị phù sa châu thổ, hương thơm đồng nội của quê nhà, có cả công của cha, nghĩa của mẹ và tình của người thôn nữ chân quê.

Tương Thọ Xuân Thanh Hóa
Sẽ thật sai khi nghĩ tương là gia vị của người nghèo hay là món ăn bình dân thôn dã. Ngày nay, trong các nhà hàng sang trọng vẫn có chén tương bên cạnh các món ăn. Du khách khi có dịp hành hương về đất tổ Lam Kinh sẽ thực sự thú vị với món quà quê của người làm nghề tương truyền thống Thọ Xuân rất đỗi bình dị mà khi ăn thì hương vị của nó ăn rồi nhớ mãi. |